Aurélia Phuong-Anh Hoang là một nhà thiết kế váy cưới hiện đang sinh sống tại thành phố Toronto. Có lẽ vì chào đời tại đất Pháp – cái nôi văn hóa châu Âu, Hoang ít nhiều đã chịu ảnh hưởng và có niềm đam mê hội họa khi cô mới 10 tuổi. Mong muốn của cô gái nhỏ lúc bấy giờ là trở thành một nhà thiết kế thời trang. Năm Hoang 17 tuổi, cô đã được truyền cảm hứng từ buổi trình diễn thời trang Alexander McQueen làm cho Givenchy năm 1998, và niềm đam mê thời trang đó vẫn tiếp tục cháy bỏng sau khi Hoang tốt nghiệp trung học. Hoang đã đăng ký chuyên ngành Nghệ thuật Ứng dụng trước khi ghi danh vào Istituto Marangoni – ngôi trường dạy thiết kế thời trang tiếng tăm bậc nhất Milan. Tại đây, Hoang đã gây ấn tượng đáng kể khi tốt nghiệp với tấm bằng Xuất sắc.
Hoang đã có cơ hội được học hỏi và làm việc với các nhà thiết kế hàng đầu như Veronique Leroy, Isabel Marant và Kenzo. Cơ duyên đưa Hoang đến với lĩnh vực thời trang váy cưới là khi một người bạn đã nhờ Hoang thiết kế chiếc váy cưới cho dịp trọng đại của cô bạn ấy. Năm 2009, Hoang đã cho ra mắt nhãn hiệu riêng của cô là Aurélia Hoang, cung cấp nhiều dịch vụ như quần áo may sẵn và thiết kế đặt làm riêng hoặc tùy chỉnh theo sở thích cá nhân của cô dâu. Theo Hoang chia sẻ, những bộ sưu tập của cô hướng đến người phụ nữ hiện đại, thoát khỏi những quy ước và chuẩn mực đời thường. Đó là những chiếc váy cưới được làm từ những chất liệu cao cấp như ren Calais, vải lụa crepe và áo hoa Devore; đồng thời được lấy cảm hứng từ các nền văn hóa châu Á và Tây phương. Điều mà Hoang mong muốn truyền tải qua các thiết kế của mình là khẳng định lại hình ảnh, phong cách của một cô dâu truyền thống bằng sự kết hợp độc đáo này; từ đó tạo ra những chiếc váy cưới thời thượng, mang lại sức hút vượt thời gian.
Hãy chia sẻ về hành trình của bạn đến với lĩnh vực thiết kế váy cưới.
Tôi đã bắt đầu với thời trang cao cấp và chưa từng có suy nghĩ rằng mình sẽ thiết kế những chiếc váy cưới. Thú thật là tôi rất yêu mến Alexander McQueen, Kenzo và Christian Dior. Vào một ngày nọ, khi tôi còn làm việc ở Paris, một người bạn đã nhờ tôi may váy cưới cho cô ấy bởi vì tôi là một nhà thiết kế thời trang, và dĩ nhiên, tôi sẽ biết đến những kỹ năng may vá cơ bản. Tôi đã quyết định dấn thân vào hành trình thiết kế váy cưới vì tôi thích những mối liên kết được hình thành trong quá trình đi cùng họ đến ngày cưới của họ. Khi tôi và người chồng sắp cưới của tôi quyết định chuyển đến thành phố Lyon, tôi là một trong những nhà thiết kế váy cưới thay thế (không truyền thống) đầu tiên của nước Pháp , với những quy tắc mới, gu thời trang độc đáo và niềm say mê sáng tạo với các loại vải chỉ có tại địa phương. Vào cuối năm 2011, một bài viết trên một trang blog nổi tiếng đã quảng bá thương hiệu Aurélia Hoang của tôi, đưa thương hiệu của tôi được nhiều người biết đến rộng rãi hơn. Chính từ thời điểm đó, tôi đã ngừng làm việc cho Kenzo và toàn tâm toàn ý cho công việc kinh doanh mới của mình.
Cá tính của bạn được bộc lộ rất rõ trên những chiếc váy cưới mà bạn thực hiện. Nguồn gốc Việt Nam và đời sống kiểu Pháp đã truyền cảm hứng cho thẩm mỹ trong thiết kế của bạn ra sao?
Lý do khiến tôi không hình dung được đám cưới truyền thống với áo dài trắng là vì đám cưới của cha mẹ tôi. Vào những năm 1970, cha mẹ tôi đã tổ chức một đám cưới đa chủng tộc – và lẽ đương nhiên, là phi truyền thống. Đó là một bữa tiệc cực kỳ thân mật, với số lượng khách tham dự cũng được chọn lọc ở mức tối thiểu và phải là những người quan trọng. Vào thời điểm đó, ông bà nội người Việt Nam của tôi đã định cư ở Hoa Kỳ và họ không thể đi đâu được cả. Trong khi đó, ông ngoại của tôi đã từ chối đến dự lễ cưới. Trong ngày trọng đại ấy, cha tôi đã mặc bộ vest nhung; còn mẹ tôi, một người Pháp, bà đã chọn cho mình chiếc áo dài nhung màu xanh lá.
Đây là bức ảnh chụp cha mẹ tôi tại đám cưới của họ mà tôi có được. Bữa tiệc rất thân mật: chỉ có hai người, mặc y phục màu xanh lá cây, và đứng trước bàn chủ trì buổi lễ. Lễ cưới của cha mẹ tôi đã thu hút sự quan tâm của tôi với tư cách là một nhà thiết kế áo cưới. Điều đó như kiểu thôi thúc tôi sáng tạo công việc mang hơi hướng “anti-bride”.
Thiết kế thời trang của bạn đã phát triển như thế nào trong những năm qua? Bộ sưu tập yêu thích mọi thời đại của bạn là gì?
Tôi không bao giờ chạy theo xu hướng cô dâu và những quy tắc của đám cưới truyền thống. Tôi chỉ là cho mọi người thấy những gì tôi muốn mặc lên người, và tôi diễn tả nó trên một chiếc váy trắng dài thướt tha. Làm việc trong lĩnh vực thiết kế váy cưới đã cho tôi cơ hội được tiếp xúc với những loại vải đẹp, cũng như được tìm hiểu về ren và nhiều loại vải lụa khác nhau. Phong cách của tôi hơi nghiêng về “boho”. Khi tôi tổ chức đám cưới vào năm 2012, tôi đã chọn cho mình chiếc váy theo kiểu nhiều mảnh kết hợp lại với nhau, mục đích là để tôi có thể thay đổi từ chiếc váy dài sang váy ngắn để thuận tiện hơn trong lúc hòa mình khiêu vũ theo điệu nhạc.
Bộ sưu tập của tôi, The Meaning of Lines,ra mắt năm 2018, là một bước ngoặt đánh dấu việc tôi chuyển mình sang phong cách gợi cảm hơn. Ngay cả bộ ảnh chụp quảng bá cho thiết kế cũng thiên về phần tối giản. Bộ sưu tập năm 2017 của tôi, Just Like A Woman, thực sự mang phong cách dân dã. Cảm hứng của tôi xuất phát từ những bước tiến của phụ nữ trong những năm 1960 và phong cách ăn mặc của họ khi họ được trở nên tự do hơn. Lịch sử này đã dạy tôi ý nghĩa của việc trở thành phụ nữ, của việc nữ tính hơn và cảm thấy quyến rũ hơn. Bộ sưu tập năm 2018 là sự tiếp nối của tất thảy những yếu tố này. Đó là tấm gương phản ánh sự nữ tính và trưởng thành, với những đường cắt xén táo bạo và các chi tiết tinh xảo. Đối với bước đột phá này, tôi chủ yếu tập trung vào hình dán, và tôi thích sự tinh tế.
Bạn đã rút ra bài học gì từ những nhà thiết kế tầm cỡ quốc tế để phát triển bản sắc thời trang của riêng mình?
Khi tôi làm việc với Isabel Marant, cô ấy là kiểu người theo đuổi phong cách boho, hơi hướng dân dã và thường lấy cảm hứng từ sắc tộc. Cô ấy có tầm nhìn của riêng mình về một người phụ nữ quyết liệt, độc lập và táo bạo. Còn khi làm việc với Kenzo, ông ấy là một người hâm mộ nhiệt thành của nghệ thuật tranh ảnh. Các thiết kế của ông ấy luôn mang lại cảm giác vui tươi và hạnh phúc – thu hút ngành công nghiệp cưới hỏi. Điều đó cũng thể hiện rõ trong thiết kế của tôi: sự kết hợp bất ngờ giữa các loại vải, họa tiết và ren. Và khi làm việc với Veronique Leroy, tôi đã học được cách quản lý tốt với thể tích và rất chính xác khi lập khuôn mẫu, và tự tin hình dung được kết cấu của quần áo. Điều này là một phần bản sắc thời trang của tôi.
Hãy nói về bộ sưu tập hiện tại của bạn và các kiểu váy cưới cho năm 2023.
Đối với các thiết kế trong bộ sưu tập này, tôi vẫn muốn giữ được sự thướt tha trong khi thêm sự đa dạng về chất liệu và độ bồng của thiết kế. Tôi muốn mọi người có thể chạm vào và cảm nhận nó – để thấy rằng lụa là cũng giống như làn da của chúng ta: rất mềm mại và có nhiều kết cấu khác nhau. Khi tôi sử dụng vải organza, nó sẽ khiến bạn tò mò làm sao tạo ra sợi vải này, và trầm trồ ‘Làm thế nào mà nó có thể bồng bềnh đến như vậy?’ Điều tôi mong muốn là mọi người có thể cảm nhận được các loại vải trên da của họ. Ở phần thiết kế phía trước, bạn có thể nhìn thấy tay áo, đường viền cổ áo cao và vải trơn. Trông có vẻ rất nghiêm túc. Nhưng một khi bạn phát hiện ra ở phía sau là một thiết kế khoét sâu hình chữ V, bạn sẽ không khỏi trầm trồ. Tôi thích điều đó. Tôi luôn làm việc bằng sự tương phản, chẳng hạn như vải đơn sắc đi cùng vải trong suốt. Nó giống như sự tương phản giữa hai nền văn hóa của tôi. Dù khác biệt rõ ràng nhưng lại hỗ trợ nhau, bù đắp cho nhau khi cần thiết. Hay có thể nói, chúng được xếp chồng xen kẽ nhau.
Đối với xu hướng cho năm 2023, bạn sẽ thấy nhiều loại vải sheer hơn. Tính thẩm mỹ cổ điển thể hiện rõ trong những chiếc váy dạ hội. Bạn sẽ thấy các yếu tố mang tính khẳng định mạnh mẽ như nơ hoặc hoa trang trí quá khổ. Tuy nhiên, hiện có nhu cầu ngày càng tăng đối với phong cách độc đáo không theo truyền thống. Váy rời, cũng như váy ngắn và romper (áo được gắn vào quần short tạo thành bộ đồ một mảnh) đang trở nên phổ biến hơn. Tay áo luôn là một điểm nhấn bất kể hình dạng gì, bởi vì chúng kết hợp rất ăn ý với thiết kế đơn giản và hiện đại.
Bạn từng có lần đề cập rằng việc chọn váy cưới là một cuộc phiêu lưu đầy cảm xúc, riêng tư và quý giá. Làm thế nào để bạn có thể mang lại sự tự tin cho các cô dâu trong ngày trọng đại của họ?
Bản thân chiếc váy đã khiến bạn tự tin vì bạn biết rằng nó sẽ khiến cho bạn thấy thoải mái.
Nếu bạn muốn mặc một thiết kế có tà váy lớn nhưng cũng muốn được nhảy nhót trong bữa tiệc sau khi làm lễ, hãy bảo đảm rằng tà váy của bạn không quá dài, hoặc bạn có thể thay một chiếc váy khác ngắn hơn. Chiếc váy cưới là một phần gắn liền với bạn trong ngày trọng đại.
Đó không phải là ngày để bạn lo lắng về đôi giày hay trang phục nội y của bạn – bởi vì chúng là những thứ mà bạn đã chuẩn bị kỹ càng rất lâu trước ngày cưới rồi. Hãy cứ là chính mình trong ngày trọng đại này, và rồi bạn sẽ có thể đón nhận tất cả những cảm xúc hân hoan và vỡ òa trong niềm hạnh phúc đó.
Bạn có lời khuyên gì cho các nhà thiết kế váy cưới triển vọng không?
DNA của bạn nói lên nhân cách, con người bạn. Bạn mong mỏi gì từ điều cốt lõi làm nên doanh nghiệp của bạn? Bạn không thể xây dựng một thương hiệu mà không có định hình rõ ràng. Hãy ghi nhớ kỹ điều này. Vào buổi đầu lập nghiệp, đã từng có rất nhiều người nói với tôi rằng các thiết kế của tôi “không giống váy cưới cô dâu.” Nhưng tôi biết rằng tầm nhìn của mình có tác động đến người khác và tôi tin vào điều đó.
Điều tôi cần vào thời điểm đó là một phòng showroom và một không gian nhỏ thân mật. Phải làm sao cho khách hàng cảm thấy rằng họ trông giống như đang đi gặp một nhà tạo mẫu cá nhân trong cửa hàng, và được an tọa trong một căn phòng hết sức riêng tư.
Hãy cứ mặc kệ những ý kiến của các nhà cung cấp khác. Bạn nên tạo ra một không gian mà bạn cảm thấy thoải mái và sáng tạo. Điều này sẽ mang lại nguồn năng lượng tích cực cho công việc của bạn.
Ngoài ra, hãy luôn kiên định với những sáng kiến trong tâm trí bạn. Đừng để mọi người rót vào tai bạn những lời khuyên rằng bạn nên hay không nên làm gì.
Dù vậy, đừng quên tham khảo ý kiến của những người am hiểu về thời trang hoặc ngành công nghiệp váy cưới. Việc lắng nghe lời chia sẻ từ những bộ óc dày dặn kinh nghiệm vẫn tốt hơn là tiếp thu những lời sáo rỗng, thiếu hiểu biết.
Mất bao lâu để hoàn thành áo cưới của bạn?
Khi là kích thước tiêu chuẩn, có thể chỉ mất một tháng để hoàn thành. Thiết kế của tôi luôn được đặt trước. Nếu tôi phải đặt vải từ Pháp hoặc Bỉ, thời gian hoàn thiện sẽ lâu hơn. Đối với những thiết kế riêng được đặt may theo số đo, tôi sẽ cần từ 6-10 tháng, trong đó sẽ có 3 buổi thử đồ.
Độc giả của Culture có thể liên hệ với bạn như thế nào?
Tôi có phòng trưng bày của mình bên cạnh Greektown ở Toronto. Tôi cũng nhận tư vấn riêng về váy cưới, phù dâu hoặc mẹ của cô dâu. Đồng thời, tôi còn bán các phụ kiện như giày, mạng che mặt, áo ngực dành cho áo hở lưng (sticky bras), đồ trang sức và phụ kiện tóc. Đối với khách hàng quốc tế, tôi sẽ nhận tư vấn qua các cuộc họp trực tuyến. Tại Pháp, bạn có thể tìm thấy các thiết kế của tôi tại một cửa hàng ở thành phố Nantes.